Thursday, July 21, 2011

Khu Du Lịch Rừng Madagui


altKhu du lịch rừng Madagui rộng 588ha, trực thuộc Khách sạn Quê Hương thuộc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist), toạ lạc ở huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, cách Thành phố Hồ Chí Minh 152km, cách Đà Lạt 148km. 

Là điểm dừng chân lý tưởng trên tuyến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt, khu du lịch có khí hậu trong lành; cảnh quan thiên nhiên nhiên nên thơ, hùng vĩ với rừng, núi, sông, suối; thảm thực vật, động vật phong phú; hệ thống hang động liên hoàn, thơ mộng, lãng mạn và kỳ bí.


Ngày 29-3-1991, Công ty du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lập Khu du lịch Suối Tiên để sản xuất lâm sản và kinh doanh du lịch. Tháng 2 năm 2002, Khu du lịch Suối Tiên được giao về cho Khách sạn Quê Hương, đổi tên thành Khu du lịch rừng Madagui.

Khu du lịch rừng Madagui (Ma Đa Gui, Mà Dà Guil, Madagouil) được đặt tên theo cách phát âm của người Mạ, dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu tại khu vực.

Mà: dân tộc Mạ.

Dà: chất lỏng, nước, sông, suối.

Guil: tên dòng suối.

Mà Dà Guil : suối Guil của người Mạ.

ĐẶC ĐIỂM RỪNG

Thảm thực vật rất phong phú gồm lồ ô, tre, mun, me, keo và các loại cây gỗ quý hàng trăm tuổi như cây tùng, si, gõ, bằng lăng, đủng đỉnh, rau diếp, rau lá quăn,… Đặc biệt có cây kơnia đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên được xem như loài cây quý của người dân tộc. Những cây hàng trăm tuổi với bộ rễ dài nổi cuồn cuộn trên mặt đất, thân cây to chục người ôm hoặc một số cây mọc trên đá là điều thú vị khi tham quan rừng dành cho du khách. Rừng xen kẽ với nương rẫy đồng bào dân tộc ở thế da beo vừa gần sinh hoạt con người, vừa hoang sơ.

Động vật có các loài thú rừng chính như voi, cheo, nhím, heo rừng, sóc, dúi, các loài côn trùng, bướm, chim, bò sát,…

HỆ THỐNG SUỐI, BÃI TẮM

Suối Tiên là một phần của sông Đạ Huoai bắt nguồn từ Bảo Lộc, chảy ngang qua Khu du lịch rừng Madagui với chiều dài khoảng 3km. Vào mùa khô, mực nước trung bình 1-2m, mùa lũ mực nước cao hơn 10m. Đây là khu vực sinh sống của hai loài cá nổi tiếng là cá lăng, cá leo, cá trèn.

Suối Voi nằm sâu trong rừng với nhiều ghềnh đá đẹp tự nhiên và hoang sơ, nước suối trong vắt làm mát lòng du khách, dòng chảy lộ thiên và ngầm dài khoảng 1km. Nơi đây từng là bãi đào vàng của dân địa phương, hiện nay vẫn còn vết tích. Suối được mang tên suối Voi vì nằm trên lộ trình di chuyển của đàn voi rừng thường dừng chân uống nước.

Bãi Tình yêu gần bờ suối, rộng khoảng 1.000m2, khá đẹp, gồm những bãi đá lớn giữa khung cảnh thiên nhiên của núi rừng, rất lãng mạn.

HỆ THỐNG HANG ĐỘNG

Hệ thống hang động liên hoàn bao quanh Khu du lịch được hình thành do các chấn động địa chất trong quá trình hình thành khu vực, các hoạt động của hệ thống núi lửa trước đây. Do hoạt động của núi lửa, phần lớn khu vực được phủ một lớp bazan. Cùng với quá trình phun trào là sự bào mòn tạo nên lớp phù sa sông suối. Trải qua quá trình bào mòn, rửa trôi và tích tụ đã tạo nên bề mặt địa hình đan xen khá phức tạp, hình thành hệ thống hang động hấp dẫn liên kết với nhau nhưng không quá nguy hiểm, thích hợp cho du khách vừa có nhu cầu tham quan và khám phá. Hang động được chia làm hai loại: một loại hang nằm sâu dưới lòng đất, cách mặt đất 10-12m, một loại hang nằm trên cao và cách mặt đất 10m. Đá granite (thạch anh) là cấu tạo đá chính của khu vực.

Thạch Lâm là khu vực tập trung hàng chục khối đá granite khổng lồ đổ xếp chồng lên nhau tạo nên những hình thù kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng của con người.

Thiên Phúc Sơn Động là một quần thể hang động tự nhiên với những cụm hình tượng như: Song Tượng, Tam Đại, Tứ Linh, Ngũ Phúc tạo một thế giới huyền bí.

Hang Dơi làhang động chính trong khu vực Thạch Lâm có chiều dài khoảng 60m, tham quan từ đầu hang đến cuối hang mất 30 phút. Hang có 3 lối ra vào. Khi vào hang, du khách đi xuống, có cảm giác đang đi sâu vào lòng đất, nhưng khi ra khỏi hang lại thấy đứng trên đỉnh núi giữa rừng bằng lăng, lối đi khúc khuỷu khó đi. Đúng như tên gọi Hang Dơi, hang vốn là nơi trú ngụ của loài dơi rừng Madagui. Những vách đá cheo leo, khe sâu hàng chục thước trong Hang Dơi là những kỷ niệm đáng nhớ trong kỳ nghỉ của du khách.

Hang Cô: Sau 20 phút đi bộ từ Hang Dơi, du khách sẽ đến Hang Cô dài khoảng 20m, tham quan toàn hang mất 20 phút.

Cổng Trời nằm trên đường đi từ Hang Cô sang Hang Thầy, gồm hai gộp đá khổng lồ cao khoảng 10m sừng sững tạo thành hình cổng đang mở giữa rừng. Đường lên Cổng Trời cheo leo, dốc cao, lối đi hẹp chỉ đủ cho một hay hai khách lách người qua.

Hang Thầy có hình bán nguyệt, chiều dài khoảng 25-30m, tham quan toàn hang mất 10 phút. Hang có những phiến đá lớn phẳng lì xếp nghiêng nghiêng, trong hang có dòng suối ngầm chảy len dưới các phiến đá. Hang được đặc biệt chú ý bởi một câu chuyện hư hư thực thực còn lưu lại qua lời kể của người dân nơi đây. Chuyện kể rằng, vài thập niên trước, có một vị tu sĩ sống ẩn mình trong hang, nhưng sau đó vị tu sĩ đi đâu không ai rõ. Dấu tích còn để lại là chiếc bàn ghép từ những phiến đá nay đã bể và bộ chuông mõ được tìm thấy.

Hang Rẻ Quạt dài 40m, rộng 6m, chứa được 50 người, nằm trong rừng cao. Lối đi lên hang rất dốc và cheo leo. Hang gồm những khối đá ghép với nhau thành hình chiếc quạt xoè ra giữa núi rừng thâm u, khéo léo như có người xếp đặt. Tham quan hang mất khoảng 10 phút.

Hang mới: Trong khoảng thời gian gần đây đã phát hiện nhiều hang mới nằm sâu trong rừng do rễ một số cây cổ thụ to lớn bao phủ, cấu trúc đá cũng khác so với những hang động trên.

DỊCH VỤ DU LỊCH

Khu công viên Thần Núi với tượng Thần Núi uy nghi cao 14m được dựng mô phỏng theo hình tượng vua Hùng. Phía dưới tượng là thảm cỏ và hồ phun nước nghệ thuật tạo cho cảnh quan thật hùng vĩ và sinh động để phục vụ du khách chụp hình lưu niệm.

Cầu treo bắc qua sông Đạ Huoai, khánh thành ngày 28-4-2003. Đây là chiếc cầu dây có nhịp chính dài 120m, mặt cầu bằng gỗ.

Khu vườn tre rộng 30ha với bộ sưu tập tre trúc Việt Nam phong phú với gần 100 loại.

Khu vườn kiểng với các loại cây kiểng, bonsai, trong đó một số cây được tạo dáng hình thú sinh động.

Khu cắm trại bên kia suối rộng khoảng 5ha, sức chứa 20.000 khách.

Khu lễ hội rộng khoảng 2.500m2, phục vụ các lễ hội, các hoạt động văn hoá - nghệ thuật.

Nhà hàng Muông Xanh trước đây có tên là nhà hàng Suối Tiên, đổi tên thành Muông Xanh từ tháng 3 năm 2002. Nhà hàng có lối kiến trúc theo kiểu nhà rông, được xây dựng giữa cảnh thiên nhiên tươi đẹp, sức chứa 1.000 khách, phục vụ những món ăn đặc sản tại địa phương (cá suối, rau rừng,…) được chế biến theo yêu cầu của du khách.

Khu phòng ngủ Kơnia (18 phòng nghỉ tập thể), Đồi Mai (22 phòng đôi đầy đủ tiện nghi, gần với thiên nhiên); đặc biệt có 2 nhà Tarzan được trang bị tối thiểu nhất cho một cuộc sống khi còn hoang sơ.

Massage với trang thiết bị hiện đại.

Karaoke: 5 phòng hát với hệ thống âm thanh hiện đại (máy 5 số).

Hai sân tennis đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Xe tham quan rừng (UAZ), xe đạp vượt địa hình, cưỡi ngựa.

Khu bắn súng cự ly.

Hồ bơi có tổng diện tích mặt nước trên 3.000m2 được chia làm 3 khu vực.

Câu cá giải trí với diện tích gần 15.000m2 chứa nhiều chủng loại cá.

Quầy lưu niệm: thổ cẩm, rượu cần, trà, cà phê, hoa lan, hoa rừng, hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất từ mây tre lá,…

Các hoạt động văn hoá giải trí: Lễ hội của người Mạ, lễ gọi lửa, nghi thức uống rượu cần, tục cưới hỏi của người Mạ, lễ hội cồng chiêng, mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu,…

Bến đò dân tộc nằm trong khu vực buôn của người Mạ. Du khách có thể đi thuyền độc mộc qua suối, tìm hiểu sinh hoạt hằng ngày của người dân tộc thiểu số. 
(W.F.Net)

No comments: