Monday, February 21, 2011

Thác Đamri

altKhu du lịch thác Damb’ri (Đam Bri) nằm ở phía tây bắc thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Sau khi đi qua 16 km đường nhựa quanh co bên những nương dâu, đồi trà, cà phê xanh ngát, du khách sẽ được đắm mình trong phong cảnh thiên nhiên trong lành hùng vĩ bởi một quần thể thác nước xen giữa khu rừng nguyên sinh rộng hàng ngàn hécta với hàng trăm loài động thực vật quý hiếm đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên. Theo truyền thuyết, từ rất xa xưa, trong vùng rừng núi nơi đây có hai bộ tộc cùng sinh sống, nhưng quan hệ giữa hai bộ tộc không được thuận hoà, thường xảy ra những cuộc xung đột, tranh chấp.

Hai bộ tộc lại có đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết, chàng tên là K’Dam, nàng là B’Ri. Song họ không thể chung sống với nhau dưới một mái nhà, làm chung một cái rẫy, sinh con đàn cháu đống và sống bên nhau được.
Vào một ngày kia, vì buồn bã cho số phận, không lấy được người mình yêu, chàng K’Dam đã lặng lẽ rời bỏ buôn làng đi sâu vô rừng. Nghe được tin, nàng B’Ri vội vã đi tìm chàng K’Dam. Vượt bao cánh rừng, lội bao con suối, qua bao con trăng tròn, qua bao mùa rẫy, nàng cứ đi tìm hoài, tìm mãi nhưng không thấy chàng đâu mà chỉ thấy con chim rừng than oán cho số phận của nàng.
Trong nỗi thất vọng, nàng trở về ngồi ở khu rừng gần buôn làng, than khóc, đợi chờ, hy vọng chàng sẽ trở về với nàng. Nhưng rồi nàng cứ ngồi khóc hoài, khóc mãi cho đến khi thân xác tan biến thành đất thành đá của núi rừng, nước mắt nàng chảy mãi, chảy mãi tạo thành dòng suối, dòng thác của ngày hôm nay.
Từ đó, vì thương cảm và tưởng nhớ đến tình yêu chung thuỷ của đôi trai tài gái sắc, dân làng hai bộ tộc đặt tên cho dòng thác là thác Damb’ri. Cũng từ đó, hai bộ tộc sống hoà thuận với nhau, con cháu họ có thể cùng sống chung một mái nhà, làm chung một cái rẫy, cùng sinh con đàn cháu đống.
Đến hôm nay, con cháu họ chính là bà con dân tộc Mạ - một trong những dân tộc thiểu số bản địa của tỉnh Lâm Đồng.
Từ đầu năm 1990, thấy được tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch văn hoá quý giá của khu thắng cảnh thác Damb’ri, Tổng công ty dâu tằm tơ Việt Nam (TCTDTTVN) thành lập đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch với tên gọi ban đầu là Khu nghỉ dưỡng Damb’ri, là doanh nghiệp trực thuộc văn phòng TCTDTTVN quản lý. Đến ngày 31-5-1997, đơn vị chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định thành lập Công ty Du lịch Damb’ri, đơn vị thành viên của TCTDTTVN với nhiệm vụ chủ yếu là quản lý gần 3.000ha rừng và đất rừng (trong đó bao gồm cả Khu du lịch thác Damb’ri), kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng. Với phương châm tôn trọng và giữ gìn thiên nhiên, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng thỏa mãn nhu cầu đa dạng của du khách, trong những năm qua, Công ty đã tập trung đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; đồng thời đầu tư một số dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại, mới lạ hấp dẫn; xây dựng và mở rộng khách sạn - nhà hàng Damb’ri đạt tiêu chuẩn 2 sao phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách; ngày càng nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của đa số du khách trong và ngoài nước.
  • Rừng nguyên sinh Damb’ri bao gồm hàng trăm loài thực vật đặc thù của vùng nhiệt đới với những cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm, to đến 3 – 4 người ôm không xuể, trong đó có những loại gỗ quý hiếm như: sao, kiềng, dổi, hồng tùng, bạch tùng,…Về hệ động vật, rừng Damb’ri có đến hàng trăm cá thể với hàng chục loài động vật khác nhau, trong đó có những loài quý hiếm cần được bảo tồn như: công, chồn mực, voọc, gấu ngựa, các loài khỉ,…
Thác nước Damb’ri là thác chính nằm ngay trung tâm Khu du lịch với chiều cao 57m, mặt thác rộng gần 30m. Đây là thác nước cao nhất ở Lâm Đồng.
Thác Dasara (Đạ Sa-ra) nằm cách trung tâm Khu du lịch Damb’ri khoảng 500m gồm 7 tầng với tổng chiều cao trên 60m.
Thác Daton (Đạ Tồn) nằm cách khu trung tâm Khu du lịch gần 700m, chiều cao thác 25m, bắt nguồn từ một dòng suối nhỏ có thượng nguồn gần khu rừng già, núi đá cao nên nước trong vắt, quanh năm mát lạnh.
Khu hang động cây hoá thạch nằm dưới tầng ba của thác Damb’ri, cách trung tâm Khu du lịch 300m. Hang sâu 50m có thể chứa được khoảng 100 người. Trên đỉnh hang là hàng loạt gốc cây hoá thạch nằm giữa những phiến đá.
Đồi Cù - Đồi Sim rộng 150ha cách trung tâm Khu du lịch 8km, bao gồm ba đồi cỏ nối tiếp nhau với diện tích khoảng 20ha. Trên đồi mọc rải rác những cụm thông tạo cho du khách có cảm giác như ở Đà Lạt. Qua hết Đồi Cù là khu rừng thông bạt ngàn.
Làng dân tộc người Mạ “Một thoáng Tây Nguyên” nằm cách trung tâm Khu du lịch 200m. Đây là khu làng được xây dựng trên một diện tích gần 1ha, ven dòng suối Damb’ri, bao gồm các khu: nhà sàn, nhà rông, khu chế biến rượu cần, khu dệt thổ cẩm, khu đua ngựa, cưỡi voi, sân biểu diễn lễ hội cồng chiêng,…
Khu Vườn Thú - Đảo Khỉ rộng 10ha cách trung tâm Khu du lịch 200m. Đến đây, du khách có dịp tham quan cuộc sống thiên nhiên hoang dã của một số loài chim, thú quý hiếm đã được thuần dưỡng như: khỉ, hươu, nai, cá sấu, công, phượng,... Ngoài ra, du khách còn được tham quan một số loài chim thú quý hiếm đặc thù của núi rừng Tây Nguyên như: gấu, báo, vượn, chồn, cheo, ba ba, kỳ đà,... Đặc biệt, du khách có thể vui đùa, chụp hình lưu niệm với các chú khỉ tinh nghịch, những chú nai vàng ngơ ngác hay chú gấu ngựa nặng trên trăm ký. Sau khi tham quan Vườn Thú – Đảo Khỉ, du khách mua vé xem xiếc với chương trình biểu diễn xiếc thú - ảo thuật vui nhộn, hấp dẫn.
Dịch vụ dã ngoại có hai loại hình:
  • Ngủ tại khách sạn Damb’ri; tham quan toàn bộ Khu du lịch Damb’ri, thác Damb’ri, thác Dasara, thám hiểm hang động cây hoá thạch, tham quan làng dân tộc, Đồi Cù - Đồi Sim bằng xe Jeep, voi, ngựa,…; du ngoạn trên hồ Damb’ri bằng ca-nô.
  • Ngủ lều trại có nệm, sinh hoạt lửa trại, xem biểu diễn cồng chiêng của người Mạ; tham quan toàn bộ Khu du lịch Damb’ri.
Dịch vụ thang máy là công trình đầu tư xây dựng theo công nghệ của Italia - Nhật đưa vào hoạt động từ năm 2000. Thang máy cao 50m có lồng kính bao quanh, đưa khách từ đỉnh thác xuống chân thác và ngược lại. Đứng trong thang máy, du khách thưởng ngoạn dòng thác đổ.
Dịch vụ này đặc biệt tiện lợi cho người già, trẻ em và người có sức khoẻ yếu vẫn có cơ hội chiêm ngưỡng dòng thác Damb’ri ở những góc độ kỳ thú, đẹp mắt.
Dịch vụ khách sạn - nhà hàng gồm 2 khu nhà hàng:
  • Nhà hàng khách sạn Damb’ri nằm ngay trung tâm Khu du lịch với kiến trúc hiện đại, thoáng mát, có thể phục vụ 200 khách cùng một lúc. Khách sạn có 10 phòng ngủ đầy đủ tiện nghi.
  • Nhà hàng Kơnia nằm gần Vườn Thú - Đảo Khỉ, lẫn khuất trong khu rừng nguyên sinh, với kiến trúc dạng hoang sơ, đặc thù của Tây Nguyên. Đặc biệt, nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn đặc sản Tây Nguyên, rượu cần. Đây là nơi các bạn trẻ đến liên hệ tổ chức cắm trại, sinh hoạt lửa trại, xem lễ hội cồng chiêng, tìm hiểu, giao lưu văn hoá với các bạn trẻ Châu Mạ. Dịch vụ vui chơi giải trí bao gồm một số dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại, mới lạ, hấp dẫn, phù hợp với mọi lứa tuổi (xe điện đụng, thuyền đụng, ca-nô,…) hay một số sinh hoạt mang đậm dấu ấn Tây Nguyên như: cưỡi voi tham quan thác, rừng nguyên sinh, câu cá trên hồ Damb’ri 
 (W.F.Net) 

    Chùa Linh Sơn

    Chùa Linh Sơn          Chùa tọa lạc số 120 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 2, thành phố Đà Lạt, trên một ngọn đồi cách trung tâm thành phố 700m về phía Tây Bắc, là một quần thể kiến trúc bao gồm nhiều công trình lớn nhỏ tọa lạc trên một quả đồi rộng chừng 4 ha.
              Chùa Linh Sơn là một trong những ngôi chùa cổ kính và đẹp của Ðà Lạt. Chùa được xây từ năm 1936 đến năm 1940 thì hoàn thành, đã trải qua các đời trụ trì là Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Diệu Hoằng, Hòa thượng Thích Từ Mãn, Hòa thượng Thích Bích Nguyên và từ năm 1964 đến nay là Hòa thượng Thích Từ Mãn.
              Chùa xây theo lối kiến trúc Á Đông, giản dị và hài hòa. Hai mái xuôi hơi cong ở phía cuối trên có hai con rồng uốn khúc đối xứng vươn lên giữa trời cao. Phía trước có 4 trụ lớn và phía dưới diềm mái là mảng trang trí hoa văn hình chữ vạn cách điệu. 
               Trên cột trong chính điện và trước tiền đường có treo nhiều câu đối, đặc biệt câu đối khảm xà cừ đượm ngát hương thiền.
             Trước sân là tượng Bồ-tát Quan Thế Âm đứng trên đài sen. Chung quanh chùa có nhiều cụm giả sơn và những hàng cây thông, bạch đàn, cây sao cao vút. Toà chính điện gồm hai ngôi nhà nối liền nhau được bài trí trang nghiêm với tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen được đúc bằng đồng từ năm 1952 cao 1,70m, nặng 1.250kg; cách không xa chính điện về phía bên phải là một bảo tháp hình bát giác cao 3 tầng. Bên trái chính điện là Tổ đường, là nơi thờ Ðạt Ma sư tổ và hai bên là bàn thờ các vị tăng sĩ viên tịch cũng như những người dân thường mà thân nhân họ muốn được thờ phụng tại chùa. 
                Gian bên phải có tượng Hộ pháp di đà, gian bên trái là tượng ông thiện, ông ác.. 
              Bên phải nội điện có Ðại Hồng Chung nặng 450kg treo trên giá được làm bằng gỗ quý. Bên trái nội điện là giá trống có chiều dài 1m và đường kính rộng 0,75m.. Trong chùa Linh Sơn còn có phòng phát hành kinh bổn và nhà vãng sinh ( nơi quàn thi hài Phật tử mà gia quyến họ muốn cử hành tang lễ tại chùa).
               Ngoài ra, chùa Linh Sơn còn có một giảng đường khá lớn được xây dựng từ năm 1972 và hiện tại là trường cơ bản Phật học và  hiện đặt văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng.
    (W.F.Net)